CÁC DẠNG BÀO CHẾ THUỐC < Phần 2>_THUỐC DẠNG NƯỚC

IV. THUỐC DẠNG NƯỚC:

Siro, dung dịch thuốc, hỗn dịch thuốc, cao lỏng…Một số dạng thông dụng như:

 Thuốc tiêm:

Thuốc tiêm là dạng bào chế dược phẩm vô khuẩn, có thể là dạng dung dịch, hỗn dịch, nhũ tương hoặc bột khô khi tiêm mới pha lại thành dung dịch hoặc hỗn dịch để tiêm vào cơ thể theo những đường tiêm khác nhau.

Có nhiều loại tiêm khác nhau: tiêm bắp, tiêm hoặc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch, tiêm dưới da

 

  Dung dịch thuốc:

Dung dịch thuốc là những chế phẩm lỏng nói chung, được điều chế bằng cách hoà tan một hay nhiều dược chất, trong một dung môi hoặc một hỗn hợp dung môi. Dung dịch thuốc có thể dùng bằng đường uống hay bằng đường tiêm hay dùng ngoài.

Không nên dùng dạng thuốc này để uống với các dạng thuốc viên hay hoà tan các dạng thuốc bột để tránh tương kỵ hoá học.

ƯU ĐIỂM: 

·   Khi sử dụng dạng bào chế dược phẩm này được hấp thu nhanh hơn so với các dạng thuốc rắn vì trong dạng thuốc rắn, dược chất phải trải qua giai đoạn hòa tan trong dịch cơ thể.

·   Dung dịch thuốc không gây kích ứng khi tiếp xúc với niêm mạc.

·   Hơn nữa, dược chất được hoà tan trong dung môi nên có thể bào chế ở dạng thuốc giọt, rất tiện dùng cho người già và trẻ nhỏ.

NHƯỢC ĐIỂM

·   Trong dung dịch thuốc, dược chất thường có độ ổn định kém nên không thể bảo quản lâu dài.

·   Các phản ứng thủy phân, oxy hóa, phản ứng tạo phức, cũng như sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, có thể là nguyên nhân phân hủy dược chất.

·   Việc chia liều kém chính xác hơn dạng thuốc rắn.

·   Khó vận chuyển

 

Hỗn dịch thuốc:

Hỗn dịch là dạng thuốc lỏng để uống,  tiêm hay dùng ngoài có chứa dược chất rắn không hòa tan ở dạng hạt rất nhỏ (đường kinh ≥ 0,1μm) được phân tán đồng đều trong chất lỏng là môi trường phân tán (chất dẫn).

Các chất dẫn thường gặp: nước, nước thơm, dung dịch dược chất...

ƯU ĐIỂM:
· Thích hợp với trẻ nhỏ và người già gặp khó khăn trong việc nuốt các dạng thuốc viên nang, viên nén. Hạn chế được nhược điểm của một số dược chất khi hoà tan kém bền vững hoặc có mùi vị khó uống và gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá
· Có thể đưa thuốc vào cơ thể theo các đường dùng khác nhau như uống, tiêm, hít, bôi ngoài da.
· Là dạng thuốc thích hợp cho các chế phẩm thuốc sử dụng với mục đích tác dụng kéo dài do sau khi sử dụng hỗn dịch thuốc, dược chất cần được hòa tan rồi mới hấp thu nên quá trình giải phóng dược chất được kiểm soát.
· Các dược chất dễ bị thủy phân ở dạng lỏng có thể được bào chế dưới dạng bột hoặc cốm pha hỗn dịch để tăng độ ổn định.
· So với viên nang và viên nén, hỗn dịch thuốc đưa dược chất hấp thu nhanh hơn.

NHƯỢC ĐIỂM:
· Hỗn dịch thuốc không bền nhiệt động học, khi để yên các tiểu phân dược chất phân tán trong môi trường có xu hướng lắng xuống và kết tụ, đóng bánh dưới đáy lọ thuốc và khó phân tán trở lại thành hỗn dịch đồng nhất và khó bảo quản.
· Khó phân liều chính xác nếu như các tiểu phân dược chất lắng quá nhanh, không đủ thời gian để lấy một liều dùng.

 

Nhũ tương thuốc:

Là dạng thuốc phân tán dược chất dạng lỏng trong dung môi thuốc, kích thước dược chất đường kính từ 0.1 – 100 micromet. Thuốc thường có thêm tá dược nhũ hóa để phân tán đều hai phase thuốc vào nhau. Ngoài ra có thêm các tá dược khác như hệ đệm, chất chống oxy hóa, chất bảo quản. Nhũ tương dạng lỏng dùng để uống gọi là nhũ dịch. Đôi khi người ta vẫn phân loại Nhũ Tương vào nhóm thuốc dạng mềm.

Thành phần nhũ tương bao gồm:

  • Pha nước: Gồm nước, các dung môi đồng tan trong nước, dược chất và các tá dược tan trong nước. Nước dùng làm dung môi pha nước phải là nước tinh khiết.
  • Chất điều hương, điều vị, chất màu: Với các nhũ tương dùng đường tiêm hay nhũ tương nhỏ mắt cần có các chất đẳng trương như natri clorid, glucose… để tránh kích ứng niêm mạc mắt hoặc kích ứng, gây đau chỗ tiêm.
  • Pha dầu: Thành phần pha dầu bao gồm dung môi thân dầu, dược chất và các chất tan trong dầu.
  • Chất nhũ hóa: Chất nhũ hóa đóng vai trò rất quan trọng trong thành phần nhũ tương. Các chất nhũ hóa tạo ra các lớp rào chắn bao lấy các giọt tiểu phân phân tán để tránh hợp nhất các giọt phân tán do đó tránh tách pha, tránh phá vỡ cấu trúc nhũ tương, giúp nhũ tương ổn định trạng thái phân tán. Ngoài ra chất nhũ hóa cũng đóng vai trò làm giảm sức căng bề mặt phân cách 2 pha do đó làm giảm năng lượng để phân tán 2 pha vào nhau, nhờ đó nhũ tương dễ được hình thành. Các chất nhũ hóa polyme còn làm tăng độ nhớt môi trường làm cho các giọt tiểu phân hạn chế chuyển động do đó giảm khả năng hợp nhất của chúng, duy trì nhũ tương ở trạng thái phân tán ổn định.

 

 

 

ƯU ĐIỂM:

·   Sinh khả dụng cao do dược chất đã được phân tán sẵn trong môi trường và diện tích hấp thu lớn.

·   Dạng lỏng nên thích hợp với trẻ em, người già, người bệnh khó nuốt các dạng thuốc rắn như viên nang, viên nén.

·   Che giấu mùi vị khó chịu của thuốc, giảm tác dụng gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá của dược chất.

·   Nhũ tương dùng đường tiêm không gây tắc mạch như các thuốc tiêm dạng dầu.

 

NHƯỢC ĐIỂM:

·   Nhũ tương dễ tách lớp do kém bền về mặt nhiệt động, dễ bị ảnh hưởng bới điều kiện nhiệt độ, pH, … nên cần đặc biệt chú ý trong quá trình bảo quản.

·   Nhũ tương dễ bị oxy hóa, dễ nhiễm khuẩn, mất nước (đặc biết với nhũ tương D/N) do đó trong công thức cần thêm các chất chống oxy hóa, chất bảo quản phù hợp.

 Siro thuốc :

Là dạng thuốc lỏng, sánh và có chứa tỷ lệ đường cao (56 - 64%), được điều chế bằng cách hòa tan dược chất, dung dịch dược chất trong siro đơn hoặc hòa tan đường trong dung dich dược chất, dùng để uống.

ƯU ĐIỂM:

  • Dạng thuốc này giúp che giấu được mùi vị khó chịu của thuốc nên tiện dùng cho trẻ em.
  • Tỷ lệ đường cao nên thuốc có thể bảo quản được lâu và cũng có giá trị dinh dưỡng.

NHƯỢC ĐIỂM:

  • Hấp thu chậm do độ nhớt cao, do đó cần pha loãng hay uống kèm với nước nếu muốn tăng tốc độ hấp thụ.
  • Tỷ lệ đường cao.

 

***Bài viết được tổng hợp từ Wiki, Sách Kỹ Thuật Bào Chế Sinh Dược Phẩm của Bộ Y Tế và một số nguồn tin đáng tin cậy khác.